Thật khó để khiến con mình không bị trêu chọc vì bạn không thể ở bên cạnh bé suốt ngày. Nhưng bạn có cách để giúp bé đối phó với những lời trêu chọc một cách an toàn và hiệu quả.
Nếu đi học về, bé tiết lộ hôm nay ở lớp bị bạn bè trêu chọc vì bé bất cẩn bị ngã vào xô nước, đừng cố hùa theo những lời trêu chọc kia để bé thấy bé thật đáng trách. Hãy luôn đứng về phía bé dù con làm sai.
Bạn nên thể hiện sự thông cảm và động viên con: “Ồ, như thế chẳng có gì buồn cười cả, chỉ là không may thôi mà”. Đồng thời nhắc bé, lần sau nếu có chuyện tương tự xảy ra, hãy nói với các bạn: “Chẳng có gì đáng buồn cười cả, tớ đang bị đau và tớ không thích ai chọc ghẹo tớ như thế”.
Những kẻ gây chiến sẽ rất thích thú khi càng chọc, bé càng xấu hổ, sợ hãi hay khóc lóc. Nếu bé tỏ thái độ mạnh mẽ, bỏ ngoài tai những lời trêu chọc, không thèm nói chuyện với kẻ gây sự nữa mà đi tìm người bạn khác để chơi, hoặc đơn giản là quay lưng bỏ đi, chắc chắn kẻ gây sự sẽ hụt hẫng và chẳng còn lý do gì để tiếp tục chọc bé nữa.
Bạn và bé có thể dùng hình các con búp bê, thú bông, hình siêu nhân để đóng những vở kịch vui. Trong đó, bé sẽ đảm nhận thuyết minh nhân vật bị trêu chọc và bạn sẽ thuyết minh vai những kẻ gây rối.
Qua nhiều kịch bản và vai diễn của bé, bạn sẽ giúp bé điều chỉnh thái độ và hành vi phản ứng khi bị trêu chọc ở trường. Còn trường hợp kẻ gây sự dai dẳng bám đuôi, hãy dạy bé đi về phía cô giáo. Nếu cô giáo không có ở đó, bé hãy chờ đến giờ vào lớp để thưa cô giáo, những kẻ gây chiến sẽ dè chừng với bé hơn trong những lần sau.
Nhiều bé dù bị trêu chọc nhưng chẳng dám nói với ai, vì như vậy bé sợ mình sẽ càng bị cười chê, hay đơn giản là trẻ không có can đảm để thưa chuyện với người lớn. Vì vậy, hãy động viên trẻ nhờ đến sự can thiệp của cô giáo nếu đang ở lớp, hoặc ít nhất là phải nói cho bố mẹ biết để kịp thời ngăn chặn những hành vi xấu của bạn mình.
Nhiều trẻ bị bạn bè trêu chọc đơn giản vì trẻ vướng phải những tật xấu cố hữu như cắn móng tay, hay khóc nhè, cũng có khi là vì cách bé ăn mặc, đầu tóc rối bù, tay chân, quần áo không sạch sẽ, thường xuyên không thuộc bài…
Vì vậy, cha mẹ cần loại bỏ tất cả những tật xấu của con, giúp con luôn tinh tươm, sạch sẽ khi đến lớp và giúp bé học tốt, năng động để không trở thành chủ đề bàn tán, trêu chọc của bạn bè.