Phương pháp nuôi dạy con đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Rất nhiều phương pháp để cho các bậc cha mẹ lựa chọn, tuy nhiên chọn phương pháp nào, hay giáo dục con cái như thế nào trước hết cần phải có sự đồng lòng của cả bố và mẹ.
Ngày nào cũng như ngày nào, hết giờ ở trên trường mẫu giáo là cu Tý gần như bị giam lỏng trong nhà. Theo lệnh của bố, Tý phải học thuộc lòng bảng chữ cái tiếng Việt, tập tô được 2 trang vở, làm vài trang phép tính cộng trừ, cùng với đọc và phát âm thêm 10 chữ cái tiếng Anh.
Sau khi Tý làm tốt mọi việc, anh Thắng mới cho phép con đi chơi. Nơi “đi chơi” của Tý chính là 4 góc phòng. Tý tha hồ lê la, chơi với siêu nhân, ô tô, máy bay, tàu hỏa tùy ý, nhưng không được bước chân ra khỏi nhà.
Trong nhà Tý, không thiếu những đồ chơi đắt tiền mà đứa trẻ nào cũng mơ ước. Tý thích mua gì là bố chiều nấy. Tuy nhiên, chỉ được một, hai ngày là cu cậu chán. Hôm nay, Tý thậm chí còn không thèm nhìn cái đống đồ chơi chất chồng chất đống xung quanh. Tý còn mải ngồi nhìn lũ trẻ bên ngoài đường, cách chỗ Tý ngồi chỉ một cái cửa sổ.
Bên ngoài, cu Bi, anh Mạnh, Cu Đức, chị Bống, cái Ong, cái Bo xúm xít với nhau, cấu nhau, đùa nhau, chọc nhau ầm ĩ. Hôm nay, cu Đức kiếm đâu được cái tai nghe của điện thoại bị hỏng. Chúng lấy cái ghế nhựa giả làm ô tô chở bệnh nhân, còn cái tai nghe của cu Đứa được vinh dự trở thành ống nghe của bác sĩ. Tý ước ao nếu Tý được ra đó chơi, thì cái ô tô có khả năng điều khiển từ xa, cùng bộ dụng cụ đồ chơi bác sĩ của mình sẽ làm các bạn tròn mắt thích thú.
Chị Hồng quan sát và thấy tất cả những gì đang diễn ra. Chị thương con đứt ruột. Trẻ con thì phải được đi chơi, được hòa mình vào thế giới của chúng. Cứ nhốt con trong nhà thế thì làm sao nó phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Sau này nó sẽ thiếu đi sự hòa nhập, sự năng nổ, hoạt bát.
Rất nhiều lần hai vợ chồng cãi nhau vì chuyện này. Nhưng anh luôn là người mắng át đi. Có lần, thấy chồng không có nhà, chị Hồng nháy con ra ngoài chơi với các bạn. Cu Tý như chim sổ lồng, chưa xỏ được chân vào đôi dép, miệng đã í ới gọi tên Bo, Mạnh, Bi, cái Ong rối cả lên.
Nhưng chỉ mới chơi được 5 phút, bố từ đâu phóng xe về. Từ đầu ngõ, bố bắt Tý chạy về nhà. Chưa bước vào nhà anh đã mắng chị xối xả: “Tôi đã bảo cô là không cho con ra ngoài, không được cho nó chơi với mấy đứa trẻ vô giáo dục kia. Cô định để con tôi sau này thành đứa thất học, mất dậy à. Cái thứ đàn bà cạn nghĩ”.
Lần này chị Hồng không thể chịu được ông chồng gia trưởng và hách dịch, chị sấn tới trước mặt chồng và nói: “Anh ăn nói cẩn thận, người ta nghe được thì không xong đâu. Con cái người ta cũng ăn học đàng hoàng và chẳng đứa nào hư hỏng ở đây cả. Tôi thì tôi không bao giờ nhốt con tôi trong nhà, không bạn bè, không giao du với ai, không biết chia sẻ bất cứ cái gì với ai, rồi sau này lại trở thành kẻ gia trưởng, hách dịch, nhìn ai cũng là đứa vô học cả”.
Chưa dứt câu, một cú tát trời giáng của chồng khiến chị lảo đảo, suýt đập đầu vào tường. Cu Tý sợ hết hồn nép vào xó cửa. Từ đó, Tý không bao giờ đòi đi chơi với bạn nữa. Nhưng mỗi lúc rảnh rỗi Tý thích ra ngồi cửa sổ và nhìn các bạn nô đùa.
Chuyện dạy con của vợ chồng anh Thắng, chị Hồng có lẽ không hề hiếm đối với các gia đình hiện đại. Theo các chuyên gia tâm lý, vợ chồng dẫu sao vẫn là những cá thể riêng biệt, với cá tính khác nhau, sống ở hoàn cảnh và môi trường giáo dục không như nhau. Khi yêu và cưới, họ có vẻ như khá đồng lòng, sẵn sàng bỏ qua và nhường nhịn nhau về nhiều vấn đề để không ảnh hưởng đến tình yêu, gia đình.
Tuy nhiên, khi đã liên quan đến quyền lợi của đứa con thì sự trái ngược về quan điểm mới thể hiện rõ. Vấn đề là vào lúc này, họ cần biết lắng nghe nhau và thống nhất để giúp con phát triển tốt nhất.
Trong việc dạy dỗ con cái, nếu chỉ mình bố hay mình mẹ mới có quyền dạy con thì đứa trẻ khó mà nên người. Còn nếu vợ chồng biết phát huy đặc trưng về giới sẽ có hiệu quả rất cao. Người cha thường có cái uy riêng, có thể uốn nắn, đặt ra những mục tiêu cho con phấn đấu và kìm hãm những hành động, tật xấu của con. Người mẹ bằng tình yêu thương sẽ nâng đỡ về tinh thần, giúp con phát triển cảm xúc, cho con cảm giác tự tin, an toàn.
Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải xác định được mình mong muốn con trở thành người như thế nào, trên cơ sở đó để cùng thống nhất về cách dạy dỗ, từ việc định hướng cho con đến việc áp dụng các biện pháp khen thưởng hay trách phạt… Tuy nhiên, điều này một lần nữa rất cần sự bàn bạc mang tính xây dựng, không nên có sự áp đặt của riêng một người.
Nếu trong quá trình dạy dỗ trẻ, hai vợ chồng không thể thống nhất trong một tình huống nào đó, tốt nhất, hãy tôn trọng nhau, đừng cố giành thắng thua và tối kị xúc phạm nhau trước mặt con cái hay lôi kéo con về phía mình. Sự cự cãi, không ai nhường ai hay lấn át nhau của bố mẹ rất dễ làm trẻ con sợ hãi, tổn thương, ảnh hưởng đến tinh thần, tình cảm của con và gây nặng nề thêm cho không khí gia đình.