Hầu hết các bậc phụ huynh khi thấy con làm điều gì không vừa ý hoặc yêu cầu con không làm gì đều cáu gắt hoặc quát tháo. Điều này nhiều khi chỉ làm bé “lỳ” thêm và chống đối cha mẹ, chưa kể, sự cáu gắt còn khiến chính bản thân bạn tăng thêm phần mệt mỏi và bực bội. Những giải pháp khôn khéo sau đây sẽ khiến con nghe lời mà không cần nổi cáu.
Trong cách dạy con truyền thống, cha mẹ luôn là người sử dụng uy quyền và sự áp đặt. Họ không bao giờ chú ý đến suy nghĩ của con mà luôn áp đặt suy nghĩ, mong muốn của mình. Chính vì vậy, khi đưa ra yêu cầu, thậm chí trong cách nói chuyện hàng ngày, cha mẹ thường sử dụng những mẫu câu không hề có chủ ngữ như: “Ăn nhanh lên”, “Vào học bài đi”, “Không được nghịch đất”… Hoặc nếu có dùng chủ ngữ cũng là những từ rất “chát chúa” như “Tao”, “Mày”, “Thằng kia”, “Con này”… và con luôn nằm ở ngôi thứ nhất như: Con phải thế này, con phải thế kia…
Bạn cần nhớ rằng trẻ bất kỳ lứa tuổi nào cũng có tự trọng, có suy nghĩ và luôn cần người khác tôn trọng, kể cả bố mẹ. Chưa kể trẻ đang ở lứa tuổi rất bướng bỉnh và chưa ý thức được sự chống đối cha mẹ là hỗn hào. Do đó cả hai kiểu giao tiếp mang nặng tính áp đặt, miệt thị sẽ chỉ càng tăng thêm sự chống đối quyết liệt ở trẻ mà thôi.
Vì vậy để trẻ tập trung nghe lời hơn, bạn nên bó cách nói và xưng hô như trên. Mọi câu nói nên bắt đầu bằng chủ ngữ bố/mẹ: “Mẹ nhờ con rửa giúp mẹ cái chén nhé”, “Bố chuẩn bị dạy con học bài nhé”… Bắt đầu bằng chủ ngữ bố/mẹ sẽ làm “mềm” câu nói, khiến cho trẻ cảm nhận được sự bình đẳng, ân cần và sẽ nghe lời bạn hơn.
Bất cứ những phản ứng tiêu cực nào từ phía con đều làm bạn bực mình, cau có. Nhưng mọi việc đều có lý do của nó. Nếu bạn không thèm nghe con nói đã vội phán xét, quát tháo, đứa trẻ cảm thấy bị oan ức hay chưa thấy thỏa đáng sẽ khó to hơn. Vì thế, với mọi thái độ tiêu cực của con, bố mẹ hãy kiên nhẫn nghe con nói. Lắng nghe sẽ giúp trẻ có cơ hội được giãi bày. Những bức xúc được nói ra và nhất là được người “cầm cân nẩy mực” lắng nghe, mọi bức xúc của trẻ sẽ được xoa dịu. Lúc này, mọi câu nói hay phán xét sau cùng của bạn sẽ được trẻ tiếp thu với thái độ tôn tọng và biết ơn.
Nếu bạn yêu cầu con điều gì đó mà bé không làm ngay, thường thì bạn sẽ nổi đóa lên và yêu cầu con thực hiện. Nhưng tình huống đó rất khó để một đứa trẻ răm rắp thực hiện mà không thể hiện một thái độ tiêu cực hay đối phó nào đó. Vì vậy, hãy khôn khéo chuyển lới mặc nhiên chấp nhận sang cho bé mà bạn không cần phải thúc ép, yêu cầu. Ví dụ, “Mẹ rất mong con thu gọn đống đò chơi kia giúp mẹ, khi nào thì con sẽ làm được hả con”. Với câu hỏi này, trẻ nhất định sẽ phải có câu trả lời cụ thể: “Con phải mặc xong cái áo cho búp bê đã”, “con phải uống xong ly nước đã”. Hãy cứ để trẻ được thoả mãn với ý nghĩ “miễn là không phải bắt tay vào dọn dẹp ngay lập tức”, khi hết thời gian đã cam kết, bạn nhắc lại lần nữa, thế nào bé cũng ngoan ngoãn dọn dẹp.