Thanh thiếu niên hiện nay ăn mặc, đi đứng, nói năng, quan hệ bạn bè,… khác xa thế hệ ông bà hay bố mẹ thời xưa. Nhiều khi, bạn không thể chấp nhận được điều đó và giữa bạn với con luôn có khoảng cách giữa các thế hệ. Chính khoảng cách đó làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong gia đình nhưng bạn chưa tìm ra cách nào để xóa nhòa ranh giới đó.
Thường xuyên trò chuyện là điều rất quan trọng để xóa đi khoảng cách giữa các thế hệ. Khi nói với con, bạn hãy cố gắng hiểu những điều con đang nghĩ, hiểu thế giới của con khác gì so với thế giới của bạn. Trò chuyện là cách tốt nhất để bạn thấu hiểu con cái.
Hãy kiên nhẫn lắng nghe và chấp nhận những suy nghĩ của con nếu đó là suy nghĩ đúng. Sự cởi mở giữa những thành viên trong gia đình sẽ giúp kết nối mọi người ở các thế hệ khác nhau xích lại gần nhau hơn.
Để “hòa nhập” tốt hơn với con cái mình, bạn cần hiểu những gì đang là “vấn đề thời sự” trong thế giới của con, con đang nói, đang làm gì, đang mặc quần áo theo “mốt” nào hay đang bị cuốn hút bởi những công nghệ gì,.... Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ dễ dàng xóa đi khoảng cách thế hệ giữa mình và con cái.
Bạn lớn lên trong một điều kiện sống, hoàn cảnh hoàn toàn khác với xã hội hiện nay. Đừng bao giờ bắt trẻ phải giống như mình với suy nghĩ: “Ngày xưa, bằng tuổi con, bố mẹ như thế này, như thế kia,…”. Nếu bạn vẫn giữ những “hoài niệm” về cuộc sống ngày xưa và áp dụng chúng trong hiện tại, bạn đang bị tụt lùi so với thế giới chuyển động không ngừng ngoài kia.
Hãy chấp nhận sự thật rằng xã hội luôn phát triển và thay đổi không ngừng. Bạn không thể mãi sống trong thế giới “ngày xưa” riêng của mình và càng không thể buộc con cái mình phải tuân theo cách sống đó.
Bố mẹ nên chấp nhận những sự thay đổi cả của con cái mình lẫn việc thay đổi suy nghĩ, tư tưởng của chính mình. Bạn cần hiểu rằng con cái mình ngày một trưởng thành hơn cả về thể chất và tinh thần. Bố mẹ hãy là nguồn động viên, khích lệ và định hướng để con cái phát triển lành mạnh, đúng đắn nhất.
Dù thời gian có chảy trôi đến bao giờ thì vẫn có những giá trị cốt lõi không bao giờ thay đổi. Bạn cần dạy trẻ những điều như: truyền thống dân tộc, truyền thống gia đình, quy tắc đạo đức,… Hãy để trẻ được hiểu và tôn trọng những giá trị đã trở thành nền tảng tinh thần của mỗi gia đình, mỗi đất nước và luôn thuân thủ chúng dù trẻ đang sống trong một xã hội hiện đại.