Sau 9 tháng 10 ngày vất vả, tưởng chừng như mẹ vừa thoát khỏi cửa tử thần, giờ đây ôm trong tay thiên thần bé nhỏ chắc hẳn bạn sẽ lo lắng làm như thế nào để chăm sóc con yêu thật tốt?
Thân nhiệt của trẻ chưa kịp điều hoà để thích nghi với môi trường bên ngoài do bé đang quen với không gian và môi trường sống hoàn hảo bên trong bụng mẹ. Khi ra ngoài, thân trẻ dính nước ối cộng với tác động của nhiệt độ không khí thấp hơn, dễ dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt. Vì thế, cần lau khô ngay cho bé bằng vải khô sạch từ đầu đến chân và giữ ấm cho trẻ.
Một số trường hợp do tình trạng sức khoẻ của mẹ không tốt, nên không quan tâm nhiều được tới trẻ, lơ là việc giữ ấm cho trẻ khiến lượng máu cung cấp oxy lên não bé không đều, cơ thể không đủ ấm. Hậu quả là dẫn đến da trẻ bị tím tái, ngạt thở hoặc gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc khác. Có nhiều biện pháp để giữ ấm cho trẻ khi trẻ chào đời như da kề da, ủ ấm bằng chăn bông, khăn bông, sưởi nhiệt …
Cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt vì trong những ngày đầu này mẹ đang tiết ra sữa non, có lợi cho sự phát triển toàn diện cũng như đảm bảo cho bé hệ miễn dịch tốt nhất. Thành phần của sữa thay đổi trong vòng 2 đến 3 ngày. Hiện tượng thay đổi sữa thường xảy ra vào ngày thứ 3, và nó liên quan khá chặt chẽ đến sự tăng cân của trẻ.
Một việc cũng vô cùng cần thiết trong quá trình chăm sóc trẻ mới sinh đó là làm thông thoáng mũi họng, hút đờm dãi ở mũi, họng của bé càng sớm càng tốt ngay sau đẻ.
Suốt quá trình thai nghén, trẻ được bao bọc bởi lớp nước ối của mẹ và chui qua tử cung để ra ngoài nên khắp người bé rất nhờn và có máu. Do đó nhân viên y tế sẽ lau toàn thân cho trẻ bằng khăn khô và ấm trước khi ủ ấm trẻ trong chăn bông hay địu. Có thể dùng khăn ướt nhưng ấm để lau cho trẻ.
Sau khi sinh, một việc rất quan trọng đối với sức khoẻ của bé là cắt rốn. Việc này phải sử dụng các dụng cụ đã được hấp tiệt trùng ở 120 độ C trong 30 phút. Băng rốn bằng băng vô khuẩn hay để rốn tiếp xúc với không khí. Trong thời gian rốn chưa rụng, phải thay băng hàng ngày bằng băng đã được hấp vô khuẩn. Không để rốn ướt, khi thấy ướt hoặc có máu hay mủ cần đưa đến bệnh viện để điều trị.
Ngay sau khi sinh, trẻ cần được xác định giới tính và phát hiện những bất thường bên ngoài. Đặc biệt là xem trẻ có hậu môn, phản xạ và trương lực cơ tốt không... Bác sỹ tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ qua chỉ số Apgar sau 1 phút, 5 phút, 10 phút và kiểm tra dị tật nếu có.
Các loại vitamin bạn cần đặc biệt quan tâm là Vitamin K1 (có thể tiêm bắp hoặc uống để tránh nguy cơ chảy máu ở rốn, ruột, dạ dày, phổi, não...), Vitamin D (cho trẻ uống vitamin D theo chỉ định bác sỹ 800 đến 1200UI/ngày), trẻ nên được tiêm phòng lao (BCG) trong tháng đầu sau sinh.
Mẹ chắc hẳn đang cảm thấy kiệt sức sau ngày vượt cạn, thiếu năng lượng, mệt mỏi, mẹ cần dinh dưỡng để bù năng lượng đã mất do sinh nở và cho trẻ bú. Do vậy, các bà mẹ phải ăn uống đủ thành phần thịt, cá, trứng, rau, trái cây và uống sữa thêm, uống nhiều nước, chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Sức khoẻ của mẹ chính là chìa khoá cho sự khoẻ mạnh của con. Cố lên bạn nhé!