Chuột rút - một trong những phiền hà mà mẹ bầu phải trải qua khi mang thai, nhất là khi thai ngày càng lớn khiến giấc ngủ của mẹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chuột rút (còn gọi là vọp bẻ) là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội và làm bệnh nhân không tiếp tục cử động được trong vài phút. Tình trạng này thường xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân, cơ bụng. Chuột rút sẽ đặc biệt nguy hiểm khi đang bơi lội hay lái xe.
Các nguyên nhân gây ra chuột rút có thể là thiếu oxy đến các cơ, thiếu nước và khoáng, tập luyện hoặc lao động quá mức, rối loạn cân bằng kali, magie, canxi, muối, nước …
Tuy nhiên, vì sao khi mang bầu, tình trạng bị chuột rút lại nhiều hơn bình thường? Theo bác sĩ, thai phụ bị mất nước do ốm nghén, nôn mửa gây sụt cân thời kỳ đầu làm rối loạn cân bằng điện giải. Những tháng cuối thai kỳ, do nhu cầu canxi cho thai ngày càng cao, bé sẽ hấp thu canxi của mẹ, làm rỗng lượng canxi dự trữ. Sự thay đổi trong việc hấp thụ và thải loại canxi cho phù hợp giữa mẹ và con dẫn đến rối loạn cân bằng điện giải, nhất là canxi và biểu hiện bằng chứng co cứng cơ.
Ngoài ra, do cơ bắp của đôi chân bị sức ép mạnh hơn khi phải mang trên mình trọng lượng lớn hơn rất nhiều, hoặc do áp lực của tử cung mở rộng, chèn ép các mạch máu hay các dây thần kinh dẫn tới các chi. Tất cả những yếu tố trên đều có thể dẫn tới nguy cơ bị chuột rút.
Cơn chuột rút của bà bầu đến bất kỳ lúc nào và thường xảy ra nhất vào buổi tối. Điều này tuy không nguy hiểm nhưng sẽ làm phiền tới giấc ngủ. “Kẻ đánh cắp giấc ngủ” xuất hiện thường xuyên hơn từ giai đoạn thứ 2 của thai kì và sẽ nặng hơn khi thai nhi ngày một lớn.
Việc điều trị tức thời cơn co cứng cơ ở bà bầu cũng giống như người bình thường. Tức là kéo thật giãn bàn chân hoặc ngón chân theo chiều ngược lại về phía đầu gối và xoa bóp hoặc chườm khăn ấm lên vị trí chuột rút. Tốt nhất mẹ bầu nên sắm một túi chườm nước nóng cho tiện.
Nếu có thể, bà bầu nên đi bộ nhẹ vài phút, điều này tuy gây khó khăn với đôi chân đang co cứng nhưng nếu thực hiện được, cơn chuột rút sẽ nhanh chóng dịu đi tức thì.
Nếu cơn chuột rút xảy ra trong lúc ngủ với tư thế đang co chân, thai phụ phải từ từ duỗi chân ra. Không nên duỗi nhanh và mạnh sẽ làm cơn đau trầm trọng thêm. Sau đó tiến hành các bước xoa dịu như trên. Tuy nhiên, nếu cơn đau vẫn kéo dài, xuất hiện các vết sưng bầm thì phải đến ngay bệnh viện. Bởi rất có thể bạn bị hiện tượng tụ máu.
Để phòng tránh, bác sĩ khuyên thai phụ nên cung cấp đầy đủ khoáng chất. Bổ sung đều đặn canxi trong suốt thai kỳ (bằng cả thuốc và thực phẩm) để làm cân bằng điện giải. Khuyến khích sử dụng rau xanh – thực phẩm cung cấp nguồn điện giải dồi dào.
Magie, kali rất cần thiết cho hoạt động co bóp các cơ. Cần bổ sung hai chất này vào nguồn thực phẩm hàng ngày như chuối, su su, nho khô, dưa lê…
Uống nhiều nước để giữ nước cho cơ thể; tham gia các hoạt động luyện tập bên ngoài như tắm nắng, đi bộ để tăng cường khả năng hấp thụ vitamin D và canxi, đồng thời giúp mẹ bầu dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Không đứng quá lâu, hay ngồi vắt chéo chân. Nên thường xuyên thay đổi tư thế đứng ngồi; thường xuyên xoa bóp, xoay tròn, mát-xa mắt cá chân, các ngón tay, chân để tăng cường lưu thông máu. Khi ngủ, nên kê chân lên gối cao để máu đến chân dễ dàng hơn.
Theo kinh nghiệm dân gian, trước khi đi ngủ, bà bầu nên tắm nước ấm hoặc ngâm chân vào nước nóng có pha muối và gừng, giúp chân thư giãn, phòng chứng chuột rút vào ban đêm.