Khi bước vào tuổi dậy thì, mụn trứng cá là một trong những hiện tượng khiến trẻ khó chịu, mất tự tin. Nếu điều trị và chăm sóc da không đúng cách, mụn có thể phát triển và để lại những di chứng thẩm mỹ sau này.
Từ tuổi dậy thì, cùng với sự phát triển nhanh về cơ thể, các tuyến mồ hôi và tuyến bã ở các em phát triển và bài tiết mạnh hơn. Tuyến bã là các tuyến nằm dưới da, cạnh lỗ chân lông, bài tiết chất nhờn giúp cho da mềm mại và có độ ẩm nhất định. Khi các tuyến này chế tiết nhiều, lỗ tuyến thông thành một nhân nhỏ nằm dưới da, cứng lại thành mụn trứng cá.
Mụn trứng cá gặp ở các em trai cũng như gái, nhưng các em gái bị nhiều hơn và thường được quan tâm đến nhiều hơn. Mụn trứng cá có thể ở trên da mặt, hay gặp nhất ở trán, má, cằm, đôi khi ở vai, lưng, ngực. Mụn trứng cá ảnh hưởng đến thẩm mỹ làm các em rất khó chịu. Người có lớp da nhờn thường có mụn trứng cá nhiều hơn người có da khô, người da trắng bị nhiều hơn người da màu, người phương Đông bị ít hơn người phương Tây.
Mụn trứng cá có nhiều dạng khác nhau. Có thể là những nốt nhỏ hơi lồi lên mặt da có đầu màu nâu hay đen; có thể là những nốt nhỏ hơn, chìm dưới da, khó nhìn thấy đầu nhân trứng cá.
Nếu mụn trứng cá bị nhiễm khuẩn (do không chú ý giữ gìn da sạch sẽ và nhất là do nặn nhân trứng cá, vi khuẩn sẽ từ các ngón tay hay do đã có sẵn trên da hoặc tại chỗ chân lông xâm nhập), các mụn sẽ sưng lên, mưng mủ có khi trở thành nhọt rất nguy hiểm. Đặc biệt nếu nhọt xuất hiện ở vùng quanh miệng (thường gọi là đinh râu) thì bệnh cảnh sẽ diễn biến rất nặng, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong.
Trứng cá càng nặn thì càng dễ bị viêm nhiễm, mụn trở nên to, rộng ra ở dưới da tạo thành các “trứng cá bọc”, nếu nặn ra hoặc vỡ mủ sẽ để lại sẹo, càng làm da trở nên xù xì, mất thẩm mỹ.
Sự bài tiết của các tuyến bã là hiện tượng sinh lý bình thường của da. Vì vậy, để hạn chế mụn trứng cá cần chú ý những điều sau:
Luôn giữ cho da sạch sẽ, không để bụi bẩn làm lấp, tắc nghẽn các lỗ chân lông. Thường xuyên rửa mặt bằng nước mát, sạch và nếu có thể thì rửa bằng các loại sữa rửa mặt thích hợp đối với từng loại da.
Nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm (thoa kem, đánh phấn …) vì các chất này bôi lên da càng dễ bám bụi, có thể làm tắc lỗ chân lông và các ống tuyến bài tiết thậm chí bị ứng với các loại mỹ phẩm không thích hợp.
Xoa bóp da mặt 2-3 lần (lúc mới ngủ dậy buổi sáng, buổi tối và có thể cả buổi trưa), mỗi lần 5 - 10 phút. Lưu ý: phải rửa sạch tay với xà phòng, dùng hai bàn tay xoa nắn da mặt bắt đầu từ gốc mũi lan rộng ra xung quanh như hình nan hoa xe đạp. Kiên trì xoa nắn đều đặn hàng ngày sẽ giúp cho các tuyến bã hoạt động, đỡ ứ đọng các chất bài tiết của nó trong các nang lông do đó hạn chế phát sinh mụn trứng cá.
Không nên nặn trứng cá, nhất là các mụn trứng cá ở xung quanh miệng. Nếu trứng cá quá nhiều, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của làn da, khuôn mặt thì cần đến khám tại các chuyên khoa da liễu để được tư vấn và dùng thuốc cho phù hợp.