Thủy ngân là chất hóa học có độc tính cao nhưng bắt buộc phải được sử dụng trong một số thiết bị y tế, đồ gia dụng. Vì vậy, nguy cơ trẻ em bị tai nạn dẫn tới ngộ độc thủy ngân là khá cao
- Hít phải thủy ngân nguyên tố có trong nhiệt kế, huyết áp kế, pin.
- Ăn thức ăn hải sản đáng chú ý là cá biển có tích tụ lượng lớn muối Hg methylmercury.
- Dùng thuốc, trám răng, phấn bôi da, các chế phẩm trong thành phần có chứa muối thủy ngân.
Nhiều trường hợp trẻ ngộ độc thủy ngân do bất cẩn của bố mẹ để trẻ lấy được hoặc cặp nhiệt độ cho con bị gẫy, vỡ thủy ngân chảy ra ngoài. Nguy hiểm hơn là các ông bố, bà mẹ có thói quen sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ bình sữa. Nếu nhiệt độ bình sữa trên ngưỡng 400 độ C sẽ làm nhiệt kế giãn nở rồi vỡ, khiến thủy ngân hòa lẫn trong sữa của trẻ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh do mẹ bị ngộ độc lúc mang thai.
Hít phải thủy ngân nguyên tố sẽ gây bệnh phổi nặng cấp tính. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm: sốt, ớn lạnh, thở khó, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.
Ngộ độc mãn do hít thủy ngân nguyên tố biểu hiện 3 đặc trưng: viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ thường mất ngủ, hay quên, tập chung tư tưởng kém, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã.
Nuốt phải thủy ngân vô cơ (điển hình là ở trẻ nuốt pin) gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu. Diễn tiến sau đó vài ngày hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong.
Ăn thức ăn chứa thủy ngân hữu cơ như cá biển gây bệnh cảnh ngộ độc mãn, xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần. Biểu hiện thần kinh là dị cảm, thất điều, suy nhược thần kinh, giảm thính giác, loạn vận ngôn, thu hẹp thị trường, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động và có thể tử vong.
Đặc biệt, trong thời kỳ mang thai nếu người mẹ ăn cá biển quá nhiều sẽ khiến cơ thể nhiễm độc thủy ngân. Thủy ngân này có thể truyền qua nhau thai dẫn đến những dị tật ở thai nhi như khuyết tật thần kinh, chậm phát triển tâm thần, bại não, biến dạng chi, sảy thai hoặc đẻ non.
Trường hợp, trẻ uống phải sữa có lẫn thủy ngân cha mẹ nên cho con uống nhiều nước để sau vài ngày thủy ngân sẽ tự đào thải ra qua đường ruột. Khi trẻ uống sữa có lẫn thủy ngân, cha mẹ không nên cuống cuồng làm các biện pháp gây nôn như móc họng hay vỗ ngực cho con vì làm thế trẻ dễ sặc, thuỷ ngân tràn vào phổi khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Loại thải chất độc ở da cần cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm độc. Ngộ độc do nuốt không gây nôn và cũng không rửa dạ dày, do nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt do không có tác dụng hấp thụ kim loại.
Trường hợp ngộ độc thủy ngân vô cơ cần được truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Nếu tổn thương niêm mạc hầu họng gây phù nề nhiều nên đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp.