Bệnh có thể gặp suốt cuộc đời mỗi người. Bệnh gặp ở tất cả các lứa tuổi, các thành phần kinh tế xã hội, các vùng địa lý,...Trong nhiều năm qua, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta đã tìm được nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh.
Các nhà khoa học nghiên cứu sọ người sống ở thời kỳ đồ đá đã phát hiện thấy sâu răng, biểu hiện là mòn răng ở mặt răng do sự va chạm mạnh của thức ăn.
Trên thế giới : nhiều nghiên cứu, điều tra tình hình bệnh ở các vùng địa lý, dân tộc, các lứa tuổi trên toàn cầu xác minh sự liên quan của bệnh sâu răng với xã hội hiện đại. Hai nhà nghiên cứu Rosebyry và Rasshan nghiên cứu trên người Eskimos sống biệt lập, sống chủ yếu bằng mỡ và thịt, tỷ lệ sâu răng là 1,2%. Trong khi đó những người Eskimos sống bằng nghề buôn bán ở quanh đảo, có thay đổi về chế độ ăn do tiếp xúc với hải quân các nước châu Âu, tỷ lệ sâu răng là 18,1%.
Klein và Palmer khảo sát toàn bộ trẻ em của trường phổ thông cơ sở của Hageston và Margland (Anh) tuổi từ 6 - 15 (4416 em), kết quả cho thấy tỷ lệ sâu răng ở trẻ em nam là 50% và 56% ở nữ. Trong đó, ở tuổi 14 tỷ lệ sâu răng ở nam là 95% và ở nữ là 96%.
Ở Việt Nam: Theo báo cáo thống kê của Võ Thế Quang và Lâm Ngọc Ấn (năm 1990), điều tra ở các tỉnh phía nam cho thấy sâu răng ở lứa tuổi 12 là 55,89%; tuổi 15 là 60,33%; tuổi 35 - 44 là 79%. Còn kết quả điều tra của Trần Văn Trường ở các tỉnh miền Bắc (năm 1990) cho thấy tuổi 12 có 57% bị sâu răng; tuổi 15 có 60%; tuổi 35 - 44 có 72% bị sâu răng.
Ở các tỉnh đồng bằng và ven biển miền Bắc tỷ lệ sâu thấp hơn ở thành thị và trung du, tỷ lệ sâu răng ở miền Nam cao hơn miền Bắc.
Hiện nay, với tiến bộ của khoa học người ta đã hiểu khá tường tận về bệnh nên đã tạo điều kiện cho công tác phòng ngừa bệnh sâu răng hiệu quả hơn. Theo đó, có 4 nhân tố như một chuỗi liên hoàn gây ra sâu răng là thức ăn, vi khuẩn, nước bọt, và các yếu tố vi lượng.
Nhân tố thức ăn với vai trò chủ đạo của gluxit (đường)
Người ta đã chứng minh rằng, thức ăn có nhiều gluxit có ảnh hưởng tới sâu răng. Một nghiên cứu điều tra người Eskimos sống chủ yếu bằng mỡ, thịt rất ít sâu răng. Nhưng sau khi tiếp xúc Hải quân châu Âu, ăn đường và bánh mì, thì tỷ lệ người bị sâu răng ở quanh đảo cao hơn hẳn.
Đường chính là thức ăn của vi khuẩn tồn tại trong miệng. Chúng tiêu hoá đường để tạo a-xit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng, làm thành lỗ sâu.
Vai trò của vi khuẩn
Blathey và orland vào năm 1951 đã chứng minh trên thực nghiệm bằng cách nuôi hai lô chuột. Một lô cho chuột ăn trực tiếp bằng thức ăn gây sâu răng với 60% là đường trong môi trường hữu khuẩn. Còn lô kia thì cho chuột ăn trực tiếp thức ăn gây sâu răng trong môi trường vô khuẩn. Sau một thời gian nghiên cứu các tác giả thấy lô chuột nuôi trong môi trường hữu khuẩn tỷ lệ sâu răng cao.
Như vậy, vi khuẩn và đường là nguyên nhân gây sâu răng. Tuy nhiên, trong đàn cũng có những con không bị sâu răng và trong cùng một con có răng bị sâu, có răng không bị sâu.
Nước bọt và sâu răng
Nước bọt có tác dụng làm giảm sâu răng bởi các thành phần có trong nước bọt như musine, các immuglobulin có tác dụng ngăn cản sự gắn kết của vi khuẩn với răng.
Ngày nay, người ta cũng nhận thấy rằng tốc độ dòng chảy nước bọt trong miệng kém cũng đóng vai trò làm tỷ lệ mắc bệnh sâu răng tăng lên. Ngoài ra, những người bị bệnh tuyến nước bọt có tỷ lệ sâu răng cao hơn nhiều người bình thường.
Vai trò của một số yếu tố vi lượng
Một số chất vi lượng, đặc biệt là fluor được chứng minh có tác dụng giảm sâu răng. Fluor kết hợp với hợp chất apatit của men ngà tạo thành fluoroapatit cứng hơn.
Nhiều nghiên cứu về tỷ lệ fluor trong nước ăn hàng ngày của những vùng địa lý có tỷ lệ fluor dưới 0,7 ppm (part per million), có tỷ lệ mắc cao hơn những vùng có tỷ lệ fluor trong nước trên 0,7 ppm. Ở một số vùng sử dụng fluor hoá nước uống đã làm giảm tỷ lệ sâu răng 45- 50%.
Một chất vi lượng nữa cũng được quan tâm là sinh tố D. Trong bệnh còi xương kháng sinh tố D, buồng tuỷ và ống tuỷ rộng, do sự lắng đọng canxi kém, làm ảnh hưởng tới độ cứng của men ngà.
Một số yếu tố thuận lợi khác
Các bác sĩ nhận thấy những răng có rãnh lõm mặt nhai quá sâu, nhất là những răng hàm mới mọc, là nơi để lắng đọng nước, thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây sâu răng. Do vậy, để dự phòng người ta cho trám bít hố rãnh.
Những người có răng mọc không đều, hàm giả làm không đúng quy định cũng tạo điều kiện cho thức ăn dễ bám mắc làm cho răng dễ bị sâu răng.
Hiểu về nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi cho bệnh sâu răng phát triển để có sự phòng ngừa và chữa trị hiệu quả.