Sẽ có rất nhiều sự kiện và trải nghiệm thú vị khi bạn bắt đầu làm mẹ. Những sự thay đổi nhỏ nhất của bé yêu đều có thể khiến các bà mẹ trẻ lo lắng lẫn vui mừng. Hãy cùng tìm hiểu những thay đổi của bé trong tuần 2 nhé.
Khi được hai tuần tuổi, mắt bé chỉ có thể nhìn thấy những vật rất gần, bé sẽ không thể nhìn xa mà chỉ nhìn rõ bạn khi bạn ghé sát vào bé. Chúng có xu hướng nhìn vào lông mày, chân tóc hoặc những cử động miệng của bạn, vì vậy đừng quá lo lắng khi bé không nhìn thẳng vào mắt bạn nhé. Đến khi được 1 tháng tuổi, trẻ mới bắt đầu tập trung vào ánh mắt của bạn.
Nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh thích nhìn khuôn mặt của người đối diện hơn tất cả các vật thể hay màu sắc nào khác (kể cả ánh sáng, sự chuyển động). Lúc này, bé đã bắt đầu có những cảm nhận rõ ràng hơn về thế giới bên ngoài. Những âm thanh, màu sắc và khuôn mặt của những người xung quanh… đều thật mới mẻ và lạ lẫm với bé.
Sự giao tiếp của trẻ ở giai đoạn 2 tuần tuổi cũng khá hạn chế. Hầu như cách duy nhất bé giao tiếp là khóc. Bạn có thể kích thích khả năng này của bé bằng giọng nói trìu mến và sự vuốt ve vỗ về của mình. Qua đó, bé sẽ dần nhận ra giọng nói của bạn và phân biệt nó với các giọng khác. Một số bé có thể thích được, vuốt ve, âu yếm và bế rong. Đặc biệt, khi cảm thấy được nâng niu, vuốt ve, bé đã biết tạo ra những âm thanh báo hiệu sự đồng ý.
Bé có thể rất quấy, khóc nhiều và liên tục. Nếu bé khóc nhiều hơn 3 tiếng liên tục từ ba ngày trở lên trong một tuần và kéo dài sang tuần thứ hai, mà không có sự giải thích về mặt y học cho tình trạng của bé, có khả năng bé đã mắc hội chứng trẻ quấy khóc bất thường – một thuật ngữ dùng để mô tả cơn quấy khóc một cách mất kiểm soát của một đứa trẻ khoẻ mạnh.
Cơn quấy khóc và sự không thoải mái của bé có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng thường nhiều nhất vào khoảng từ 6h tối đến nửa đêm. Rất may, hội chứng này không kéo dài mãi. 60% trẻ sẽ tránh được tình trạng xấu nhất khi ba tháng tuổi, 90% sẽ đỡ khi được bốn tháng tuổi.
Sau khi trẻ ra đời, các bác sĩ sẽ cắt dây rốn của bé một cách không đau đớn, để lại gốc rốn. Bạn sẽ thấy trong suốt hai tuần đầu phần còn lại của dây rốn sẽ bắt đầu rụng. Vì thế bạn phải tắm bé để giữ cho vùng rốn được khô ráo. Khi dây rốn đã hoàn toàn đứt và rụng ra, phần còn lại chính là chiếc rốn đáng yêu của bé. Nếu không thể tự tắm cho bé, hãy liên hệ dịch vụ của các phòng khám phụ khoa, nơi thường có dịch vụ tắm cho trẻ sơ sinh.
Có thể bé sẽ trở nên cáu kỉnh hoặc khó chịu vào cuối ngày. Điều này là bình thường. Có thể là bé chỉ bị choáng ngợp bởi những hình ảnh và âm thanh mới. Có nhiều thứ có thể dẫn đến điều này mặc dù nhà bạn khá là yên tĩnh.
Đầu tiên là việc làm quen với việc cho con bú. 2 đến 4 ngày sau khi sinh, mẹ sẽ bắt đầu có sữa và cảm thấy 2 bầu vú căng lên. Sự thay đổi này sẽ khiến nhiều bà mẹ cảm thấy khó chịu. Từ việc không quen cho trẻ ngậm núm vú đến việc vú bị căng sữa. Nếu bạn không vượt qua được những cảm giác này thì việc cho con bú rất khó. Hiện tượng cương sữa sẽ giảm khi mẹ bắt đầu cho con bú.
Có một số cách hữu ích để giảm đau khi cương sữa: Tự mát xa bằng nước ấm với vòi sen khi tắm; tự nặn để sữa nhỏ ra một chút trước khi đưa đầu vú vào miệng trẻ để trẻ nhanh chóng làm quen với bầu sữa mẹ và bú dễ dàng hơn; cho bé ăn đều đặn thì bạn vừa không bị cương sữa lại vừa làm quen với việc để bé bú một cách nhanh hơn; uống nhiều nước để duy trì sản sinh sữa; cho trẻ bú đều cả hai vú và nên chườm mát sau khi cho trẻ bú.
Tiếp đến, có thể bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương tình cảm một chút. Đây là điều rất bình thường đối với những người lần đầu được ở vị trí của mẹ, nhất là những người trẻ. Ít nhất 60 đến 80% các bà mẹ trẻ đều trải qua trạng thái khóc lóc ủ rũ, một dạng nhẹ của bệnh trầm cảm mà có thể gây ra khóc lóc, lo lắng, khó ngủ, cáu gắt và buồn bã. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới những sang chấn tâm lý rất khó lường. Khi thấy có dấu hiệu này kéo dài, bạn cần đến ngay các trung tâm y tế để được giải đáp và tư vấn.