Những vụ xâm hại tình dục, lạm dụng trẻ em thường diễn ra âm thầm, kéo dài bởi trẻ chưa có đủ nhận thức để tố cáo hành vi sai trái đó. Đã đến lúc, các bố mẹ nên dạy cho trẻ về “Quy tắc đồ lót” để tự bảo vệ mình.
P - Private: Riêng tư
Sự riêng tư được đặt lên hàng đầu bởi “vùng kín” là điểm nhạy cảm trên cơ thể. Giống như tay, chân, mặt,… chúng đều thuộc về bé và chỉ một mình trẻ mà thôi. Bố mẹ, ông bà hay một số người như bác sĩ có thể được chạm vào nhưng cần có lý do chính đáng và được sự đồng ý của trẻ. Khi bác sĩ khám bệnh, bố mẹ cũng cần ở bên trẻ để giám sát cả quá trình. Ngoài ra, không ai có quyền nhìn hoặc chạm vào những vùng nhạy cảm đó.
A – Always remember your body belongs to you : Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con
Cơ thể trẻ là của bản thân trẻ mà thôi, không ai có quyền động chạm hay làm bất cứ điều gì khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Khi gặp phải những người có ý định này, trẻ cần biết nói “Không!”.
N – No means no: Không là không
Trẻ cần biết nói “Không!” khi có những tác động từ người khác lên cơ thể khiến trẻ sợ hãi, khó chịu hoặc họ không giải thích được lý do chính đáng cần chạm vào người trẻ. Trẻ cần cương quyết, kể vả với những người thân trong gia đình, người lớn tuổi hoặc có vẻ thân thiết.
T – Talk: Nói ra những "bí mật"
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ xâm hại trẻ em khó bị phát hiện đó là do trẻ không dám nói lại chuyện này với ông bà, bố mẹ. Nguyên nhân có thể là do trẻ thấy xấu hổ, sợ hãi hoặc đôi khi bị đe dọa: “Bí mật, không được nói với ai!”. Bố mẹ cần cho trẻ hiểu có những “bí mật” cần phải được nói ra nếu nó ảnh hưởng xấu tới trẻ, khiến trẻ lo sợ.
S – Speak: Lên tiếng
Người thân xung quanh hãy là điểm tựa tin cậy để bất cứ khi nào trẻ có chuyện buồn, lo lắng hay sợ hãi đều có thể chia sẻ. Bất kể khi nào bé thấy buồn, sợ hãi, lo lắng hay gặp chuyện gì đều có thể nói với người bé tin tưởng. Đó có thể là ông bà, bố mẹ hay anh chị, thầy cô giáo,…
Bố mẹ cần dạy “Quy tắc đồ lót” nói riêng cũng như ý thức về bản thân và tự bảo vệ bản thân cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Đừng nghĩ rằng trẻ nhỏ chưa biết gì hoặc trẻ “chẳng có gì” mà để người khác xâm hại.
Thực tế, trẻ có thể bị xâm hại, lạm dụng ở mọi độ tuổi, cả bé trai và bé gái. Những hành vi này thường khó bị phát hiện, để lại trong tâm hồn trẻ những ký ức ám ảnh đáng sợ. Chúng có thể khiến trẻ luôn ở trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, co mình lại khỏi thế giới bên ngoài. Thậm chí, nếu bị lạm dụng thời gian dài, trẻ còn có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm hoặc bị sai lệch về hành vi, nhận thức sau này.
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ cần dạy trẻ ý thức về bản thân: cơ thể mình thuộc về mình, không ai có quyền được chạm vào. Trong những hoạt động thường ngày, bố mẹ và người thân cũng nên hạn chế chạm vào những vùng “nhạy cảm” của trẻ. Khi tắm, hãy để cho trẻ tự vệ sinh “vùng kín”, bố mẹ chỉ hướng dẫn và trợ giúp nếu cần.
Bố mẹ cũng đừng vì quá yêu quý con mà cưng nựng hoặc “khoe” những vùng “nhạy cảm” của con trước mặt người khác. Thói quen này khiến trẻ không còn thấy ngượng khi bị người khác nhìn thấy “vùng kín”, vô tình làm mất đi phản xạ tự bảo vệ ở trẻ. Đồng thời, hành động này còn có thể gợi những ý đồ xấu của kẻ muốn lạm dụng trẻ.
Dạy "Quy tắc đồ lót" cho trẻ, bố mẹ đã giúp trẻ tự ý thức về bản thân và tự bảo vệ mình. Hiểu “quy tắc đồ lót”, nếu không may trẻ bị lạm dụng hoặc xâm hại thì cũng có thể nhanh chóng tố cáo hành vi đó với bố mẹ hoặc người trẻ tin cậy. Từ đó, ảnh hưởng xấu của việc bị lạm dụng đến trẻ có thể được giảm bớt.
Đồng thời, đây cũng là những kiến thức giáo dục giới tính đầu tiên bố mẹ cung cấp cho trẻ, tạo nền tảng để trẻ nhận thức đúng về giới tính sau này khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì.